hồ ngọc hà
  • Bài viết: 1
  • Gia nhập: 15-07-2013

MỘT SỐ LỜI KHUYÊN KHI THI IELTS

British Council

Phần thi Nghe

Phần thi này có 4 bài nghe và 40 câu hỏi. Bạn cần tập trung cao độ trong phần thi này, Bạn cần chuẩn bị bằng cách học để hiểu các dạng câu hỏi khác nhau và phát triển các chiến lược làm bài.

Các tình huống trong bài nghe thường liên quan tới các mặt của đời sống sinh viên ở Vương quốc Anh, có thể là một bữa tiệc sinh viên hoặc ngày đầu tiên tới trường. Thỉnh thoảng cũng có các trích đoạn ngắn từ các bài giảng hoặc hội thoại về nơi ăn chốn ở hoặc một chuyến thăm viện bảo tàng vào cuối tuần. Nếu bạn làm quen dần thì bạn sẽ tích lũy được vốn từ vựng liên quan đến các chủ đề này.

Không giống với nhiều bài thi nghe khác, bạn chỉ được nghe duy nhất có một lần. Lý do là vì ngoài đời bạn chỉ có cơ hội nghe một lần để nắm bắt được ý chính. Nếu bạn đang ở một nhà ga thì họ chỉ thông báo tàu trễ đúng một lần. Nếu bạn đang nghe giảng hoặc đang tham dự một cuộc hội thảo, người nói hiếm khi nhắc lại. Phần thi nghe sẽ đánh giá khả năng xử lý thực tế nghe của bạn. Hãy chuẩn bị và tiên đoán hết sức mình trước khi băng chạy. Đến khi phát băng, lúc đó bạn sẽ chỉ phải nghe để khẳng định phần lớn các câu trả lời của mình.

Trong khi nghe, bạn không nên cố gắng ghi lại hết mọi thứ nghe được – vì như vậy bạn có thể sẽ bỏ qua những chi tiết quan trọng. Thử nghe và phát hiện những từ được nhấn mạnh. Hãy cố gắng bình tĩnh nếu bạn không nhận ra một số từ lạ.

Sau khi nghe tất cả các phần, bạn có 10 phút để chuyển câu trả lời từ cuốn đề bài sang giấy làm bài. Bạn nên nhớ làm việc này thật cẩn thận. Rất dễ mắc các lỗi cơ bản trong quá trình này và dẫn tới mất điểm. Nếu bạn không chắc chắn về từ nghe được, hãy thử đoán xem. Biết đâu bạn lại được điểm.

- Đọc và làm theo hướng dẫn: kiểm tra số từ đuợc phép dùng để trả lời

- Ghi nhớ những điều đơn giản sau: chính tả rất quan trọng, cũng như các hiện tượng ngữ pháp đơn giản như chia đúng động từ và thêm số nhiều.

- Đoán trước đoạn bạn sắp nghe: xem qua từ vựng trong câu hỏi và nghĩ tới các từ hoặc ngữ liên quan. Xét cả tới các từ trái nghĩa và khả năng đoạn băng muốn bẫy bạn bằng cách chỉ sử vụng một vài hay toàn bộ câu trả lời.

- Gạch dưới các từ khóa và dùng chúng để giúp bạn bắt kịp bài nghe vì dưới áp lực thi cử bạn rất dễ bị nghe hụt.

- Xác định thông tin bạn cần phải nghe: đọc kỹ câu hỏi. Xem các tranh minh họa và các câu hỏi trắc nghiệm để tìm ra sự giống và khác nhau. Nghiên cứu các phần điền vào chỗ trống và thử nghĩ xem nghĩa và loại của từ còn trống là gì.

Phần thi Đọc

Phần thi này có 3 đoạn văn và khoảng 40 câu hỏi. Bài thi kéo dài một giờ nên bạn không có đủ thời gian để mà lo lắng. Bạn cần chuẩn bị cho phần này bằng cách học để biết các dạng câu hỏi khác nhau và cả bằng cách phát triển các chiến thuật. Bạn cần cố gắng trả lời các câu hỏi khi đọc càng ít càng tốt.

Các bài khóa thường rất dài và nhiều chữ. Chúng thuộc nhiều chủ đề từ các vấn đề khoa học phức tạp cho đến các bài xã luận về tâm lý học và môi trường. Trong bài có thể có rất nhiều từ phức tạp mà bạn chưa biết.

Giống như các kỳ thi khác, bài thi này nhằm kiểm tra các kỹ năng mà bạn sẽ cần trong thế giới thực. Nếu bạn đi du học ở bậc đại học, bạn sẽ phải đến thư viện và nghiên cứu để tìm kiếm các tài liệu phù hợp với ngành học của mình. Phần thi đọc đánh giá khả năng chắt lọc thông tin cụ thể từ các bài khóa của bạn cũng như việc bạn hiểu được đại ý của chúng.

Bạn cần bắt đầu xây dựng vốn từ vựng của mình vì bạn sẽ cần vốn từ rất rộng trong bài thi này. Việc tích lũy các tập hợp từ và cách dùng chúng là rất quan trọng. Trong cả phần thi nghe và đọc, bạn đều cần tới khả năng tiên đoán các từ liên quan và xử lý các từ bạn chưa biết.

- Đọc và làm theo hướng dẫn: kiểm tra số từ được phép dùng cho mỗi câu trả lời. Xác định loại thông tin bạn cần.

- Nên nhớ một số điều cơ bản: chính tả rất quan trọng cũng như độ chính xác khi chép phần trả lời có trong bài sang tờ bài làm.

- Đoán trước bạn sẽ đọc gì: xem các từ vựng của câu hỏi một cách cẩn thận. Thử nghĩ tới các từ đồng nghĩa khác, và cả các từ trái nghĩa..

- Phát triển các chiến lược cho từng loại câu hỏi: việc thử đoán các câu trả lời và liên hệ các câu trả lời này với câu hỏi là rất quan trọng. Việc này không dễ và cần luyện tập nhiều để có thể tự tin khi làm điều này.

Câu hỏi trắc nghiệm

Nghiên cứu kỹ các câu trả lời để tìm ra các đặc điểm chung và các điểm khác nhau. Dùng cách hiểu đơn giản để loại trừ một số câu trả lời. Gạch duới các từ khóa để tiết kiệm thời gian khi đọc kỹ đoạn văn.

Điền vào chỗ trống

Đọc đoạn văn có chỗ trống cẩn thận và nghĩ tới các từ với ngữ nghĩa cũng như ngữ pháp thích hợp để điền vào các khoảng trống. Ghi lại ý tưởng của bạn để khi đọc bài khóa bạn sẽ khẳng định được mình đã điền đúng phần lớn các chỗ trống.

Tìm đầu đề thích hợp cho các đoạn văn

Đọc các đầu đề trước. Sau đó đọc đoạn thứ nhất và chọn đầu đề bạn thấy phù hợp nhất. Bạn không cần phải đọc cả đoạn. Thường thì câu đầu tiên là “câu chủ đề” tóm tắt ý của cả đoạn. Thỉnh thoảng câu chủ đề không phải là câu thứ nhất nên bạn cần đọc tiếp. Khi bạn tìm được đầu đề cho một đoạn, nên xem lại các đầu đề còn lại trước khi đọc tiếp đoạn hai.

Câu hỏi Đúng / Sai / Không có trong bài

Hãy cẩn thận với các câu có hai phần được nối với nhau bằng các từ “trừ phi” hoặc “bởi vì”. Thường thì mỗi phần riêng rẽ của câu có thể đúng hoặc sai nhưng cả câu thì nghĩa lại khác. Cẩn thận với các câu sử dụng các từ như “tất cả” hoặc “luôn luôn”: ý trong bài đọc thường không khẳng định chắc chắn đến thế.

Phần thi Viết

Có hai bài viết trong phần thi Viết và bạn phải hoàn thành trong vòng 1 tiếng. Trong khoảng thời gian này, bạn cần dựng dàn bài, viết và kiểm tra lại. 

Việc tính toán thời gian là rất quan trọng. Bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho việc lập dàn ý và giảm bớt thời gian dành cho việc viết và soát lại. Nếu chuẩn bị tốt, bạn sẽ có thể viết rất nhanh mà không phải dừng lại để nghĩ và sẽ có ít lỗi phải sửa hơn.

Việc đếm từ cũng rất quan trọng. Bạn cần viết ít nhất 150 từ cho Bài 1 và 250 từ cho Bài 2. Bạn sẽ bị trừ điểm nếu viết ít hơn số từ yêu cầu. Nếu bạn viết quá dài, giám khảo sẽ không chấm hết cả bài của bạn. Như vậy bạn sẽ mất quá nhiều thời gian để viết mà không dành đủ thời gian để lập dàn ý. Chất lượng bài viết của bạn do đó sẽ chịu ảnh hưởng vì có thể bạn viết  lạc đề và bạn sẽ có ít thời gian để soát lại bài cuối giờ hơn. Thêm nữa, điều này liên hệ với thực tế đời sống học tập vì ở trường đại học bạn cần viết đủ số từ quy định cho luận văn của mình và bạn cần kiểm tra kỹ để đảm bảo rằng bạn không viết quá dài hoặc quá ngắn.

Việc lập dàn ý là cực kỳ cần thiết. Đọc kỹ đề và gạch dưới các từ khóa. Các từ này giúp bạn xác định chính xác đề yêu cầu bạn viết về để tài gì. Nếu bạn lập dàn bài cẩn thận thì bạn sẽ tránh bị lặp ý trong khi viết.

Một vài gợi ý cho Bài 1

Phần này có thể rất khó vì có vài biểu đồ hoặc đồ thị. Bạn cần tư duy nhanh để có thể giải thích được xu hướng nêu trong đồ thị cũng như sử dụng được lượng từ vựng và cấu trúc đa dạng.

- Nếu bạn viết phần mở bài, bạn không được lặp lại y nguyên đề. Người chấm sẽ bỏ qua loại thông tin này.

- Việc chứng tỏ rằng bạn hiểu chức năng của từng đoạn văn là rất quan trọng. Vì thế bạn nên cố gắng tìm một cách thích hợp để chia câu trả lời của mình ra thành ít nhất hai đoạn.

- Nếu trong đề thi có nhiều hơn một đồ thị hoặc biểu đồ, bạn nên kiểm tra cẩn thận xem mình nên mô tả chúng chung hay riêng. Bạn có thể sẽ phải so sánh chúng, nhưng thường thì các đồ thị/biểu đồ cung cấp các thông tin khác nhau nên bạn nên miêu tả chúng riêng rẽ.

- Không nên giả định các thông tin không có trong sơ đồ/biểu đồ. Không nên thử diễn giải thông tin bằng kiến thức chung của bạn.

Một vài gợi ý cho Bài 2

Phần này quen thuộc và gần gũi hơn, nhưng bạn phải đọc và phân tích đề. Các chủ đề bao gồm từ việc ùn tắc giao thông trong thành phố tời các ý kiến về du lịch và người tàn tật. Bạn cần đưa ý kiến của mình và nêu lý do tại sao bạn chọn ý kiến này, hoặc đưa ra các khuyến nghị và cách giải quyết vấn đề. Bạn cần viết phần mở bài, chia đoạn rõ ràng và viết kết luận.

- Bạn phải chắc chắn rằng mình trả lời đúng yêu cầu của đề. Tức là bạn phải trả lời đúng câu hỏi bằng cách đưa ra các giải pháp cho một vấn đề hoặc chứng minh rằng bạn đồng ý đến mức nào với một vấn đề nào đó. Điều này cũng có nghĩa là bạn cần hiểu nội dung câu hỏi và đưa ra câu trả lời thích hợp.

- Ý kiến của bạn phải rõ ràng ngay từ phần mở bài và phải được chứng minh trong phần thân bài.

- Các ý trong đoạn của bạn phải được giải thích và lập luận bằng các ví dụ

- Bạn cần dành ra một chút thời gian cuối giờ để soát lại bài và kiểm tra các lỗi ngữ pháp thông thường. Các lỗi này có thể tạo ra ấn tượng xấu với người chấm thi.

Phần thi Nói

Phần thi nói hay phần phỏng vấn có thể được mô tả là phần dễ nhất của kỳ thi IELTS. Khác với nhiều kỳ thi khác, chỉ có bạn và giám khảo hỏi thi. Bài thi được thiết kế nhằm tạo cơ hội để bạn nói tiếng Anh. Các chủ đề thường liên quan đến bạn và các ý kiến của bạn.

Phần phỏng vấn kéo dài khoảng 12 phút và có 3 phần. 

- Phần đầu tiên:  bạn được hỏi một số câu chung chung về bản thân, gia đình và công việc của bạn.

- Phần thứ hai: bạn nói ngắn gọn về một chủ đề, ví dụ như thầy/cô giáo mà bạn quý, một lễ hội quan trọng hoặc một ngày tuyệt vời trong cuộc đời bạn.

- Phần cuối cùng: dành cho thảo luận ngắn về một chủ đề liên quan. Ví dụ, nếu bạn vừa trình bày về các lễ hội, giám khảo sẽ hỏi bạn về tầm quan trọng của các lễ hội trong cuộc sống hiện đại và thái độ đối với chúng thời ông bà bạn. Bạn có thể được hỏi xem bạn có nghĩ rằng các truyền thống đang dần mất đi trong thế giới hiện đại hay không.

Một vài gợi ý cho phần thi Nói:

Lời khuyên duy nhất là hãy cố gắng nói càng nhiều càng tốt và cố hết sức mình! Bài thi nói của bạn dựa trên độ chính xác, trôi chảy, lượng từ vựng, phát âm và cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp.

Phần thi này được thiết kế sao cho càng đi sâu thì càng khó. Các giai đoạn đầu giúp bạn bình tĩnh và thư giãn trước khi có cơ hội thể hiện vốn ngôn ngữ của mình.

- Không nên nói kiểu học thuộc lòng ở phần đầu. Giám khảo sẽ nhận biết được điều này và sẽ chuyển sang chủ đề khác.

- Cố gắng không chỉ trả lời Có/Không mà nên thêm vào một số chi tiết.

- Sử dụng một phút chuẩn bị để ghi lại các ý bạn định nói. Bạn có thể nhìn vào những gì mình ghi và dùng các ý này để trình bày.

- Phần thuyết trình giúp bạn có cơ hội thể hiện một loạt các thì bạn có thể sử dụng và cả một vài từ thú vị.

- Ở phần cuối, bạn cũng có cơ hội chứng tỏ các kỹ năng nói của mình. Bạn cần trả lời đầy đủ và trôi chảy các câu hỏi hết mức có thể và đưa ra các lý do biện chứng cho ý kiến của bạn.

- Nếu bạn nói sai và nhận ra rằng mình sai, nên tự sửa lại – đây là điều mà những người bản ngữ làm!

Cách phát âm và ngữ điệu rất quan trọng trong kỳ thi này. Nói chung, bạn có thể phạm lỗi ngữ pháp mà mọi người vẫn hiểu được bạn nhưng nếu bạn không phát âm rõ ràng thì bạn khó mà giao tiếp được. Nếu bạn nói không có ngữ điệu và nghe có vẻ thờ ơ thì người nghe bạn nói sẽ nghĩ là bạn thực sự không quan tâm đến câu chuyện!!

Nguồn: http://www.britishcouncil.org/vi/vietnam-english-advice-for-taking-ielts.htm


Ai đang xem chủ đề này?
  •  Guest
Di chuyển  
  • Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
  • Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.